Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
NHỮNG CÂU CHUYỆN NÊN SUY NGHĨ
19-07-2015, 09:41 PM (Được chỉnh sửa: 19-07-2015 09:41 PM bởi dieuquang.)
Bài viết: #1
NHỮNG CÂU CHUYỆN NÊN SUY NGHĨ
NHỮNG CÂU CHUYỆN MÀ DQ ĐÃ XEM QUA, MẠN PHÉP COPY MỜI BÀ CON XEM QUA VÀ XIN THÊM CHÚT SUY NGHĨ.

1/ TẢNG ĐÁ CÓ NẶNG KHÔNG?

Có lần Ngài Ajahn Chah đi dạo với các đệ tử của mình. Ngài chỉ vào một tảng đá thật to bên đường và hỏi: “Các thầy thấy tảng đá đó có nặng không?”
Các đệ tử nhìn tảng đá to lớn ấy và trả lời: “Dạ thưa, nó rất nặng.” Ajahn Chah mỉm cười nói, “Nó đâu có nặng, nếu như ta đừng cố gắng mang vác nó lên!”
Mỗi khi gặp một vấn đề khó khăn hay đối diện với những phiền não trong cuộc sống, hãy thử tự hỏi mình câu hỏi ấy của ngài Ajahn Chan “Nó có nặng không?” Và nếu như ta không muốn dời đổi hay mang vác nó lên, thì đâu có là nặng phải không ?
Các thiền sư thường nhắc nhở ta rằng, ngay giữa những khó khăn của cuộc đời mà ta thấy được nguyên nhân của phiền não, và sự chấm dứt của nó cũng có mặt ở ngay tại nơi ấy, chứ không cần phải tìm kiếm ở một nơi nào khác.

ĐÓ: có thể là những giây phút lo âu, phiền muộn trong tâm, hay những cảm giác khó chịu, đau nhức ở thân. Nếu như ta biết có mặt trọn vẹn với những gì xảy ra, ta sẽ không mang vác thêm cho mình những nỗi khổ không cần thiết, của sự mong cầu, muốn dời đổi, muốn làm cho nó được khác đi.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta có một thái độ dửng dưng, hoặc tránh né những khó khăn trong cuộc sống, mà là biết quan sát những gì xảy ra trong chánh niệm và tỉnh giác. Nó giúp ta thấy được rằng có những sự việc trong đời ta không tránh được, chúng đến và đi theo luật nhân quả tự nhiên. Như một ngày mây mù kéo đến che lấp phủ kín lối đi, hay là sương tan chân trời rộng mở. Nhưng vì sự mong cầu, và thái độ phản ứng vội vàng của một cái Tôi nhỏ bé, đã khiến ta không thể sống trọn vẹn được với thực tại ấy. Nó xui ta cố gắng vác lên thêm cho mình những gánh nặng không cần thiết.
Thật ra sự trọn vẹn không có một khuôn mẫu nhất định nào hết. Sống trọn vẹn không có nghĩa là ta phải cố sống đúng theo một phương cách nào đó, mà chỉ có nghĩa là ta trở lại với những gì đang có mặt nơi thân tâm mình, và để yên cho nó được như nó là. Có khi đó là sự khinh an, mà cũng có khi đó là những bất an.
Để yên không có nghĩa là chấp nhận hay buông xuôi, nhưng nó giúp ta có lại được một sự tĩnh lặng để thấy rõ những gì đang thật sự có mặt. Và rồi nếu cần, ta cứ làm những gì mình cần làm và có thể làm được. Cuộc đời có thể chỉ bày cho ta nhiều phương cách để dời đổi tảng đá, nhưng nhiều khi sự có mặt của tảng đá ấy là để ta có dịp nhìn lại và thấy rõ mình hơn.
Tảng đá to và nặng thật đấy, nhưng ta đâu cần phải mang vác nó lên. Mà nếu như ta không mang vác chúng lên thì mình cũng đâu có gì cần phải buông bỏ, phải không ?

2/ CHUYỆN KẺ LANG THANG

Có một kẻ lang thang, đi vào chùa, thấy Bồ Tát ngồi trên Đài Sen nhận cúng bái của mọi người, anh ta vô cùng ngưỡng mộ.
Kẻ lang thang nói: “Tôi có thể đổi chỗ ngồi với Người một lát không?”

Bồ Tát trả lời: “Chỉ cần anh không mở miệng.” Kẻ lang thang ngồi lên Đài Sen. Trước mắt của anh là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến phần lớn là cầu điều này điều kia.

Anh vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng. Một ngày, một phú ông đến. Phú ông: “Cầu Bồ Tát ban cho con một đức tính tốt.” Nói xong ông dập đầu, đứng dậy, ví tiền lại bị rớt xuống mặt đất. Kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện của Bồ Tát.

Sau khi phú ông đi ra, thì có một người nghèo bước vào. Người nghèo nói: “Cầu Bồ Tát ban cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ.” Cầu xong ông dập đầu, đứng dậy, nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo thốt lên: “Bồ Tát quả thật hiển linh rồi.” Ông cầm túi tiền ra đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải hiển linh, đó là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh lại nhớ đến điều kiện của Bồ Tát.

Lúc này, một người ngư dân đi vào. Ngư dân cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió.” Đoạn dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, lại bị phú ông túm chặt. Vì túi tiền, hai người đánh nhau túi bụi. Phú ông cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền, mà ngư dân thì cảm thấy bị oan uổng không cách nào chịu đựng nổi. Kẻ lang thang không thể nhịn được nữa, anh ta liền hô to: “Dừng tay!” Rồi đem chân tướng nói ra cho họ. Tranh chấp nhờ đó mà đã yên. Lúc này Bồ Tát mới nói: “Ngươi cảm thấy làm vậy là đúng chăng? Ngươi hãy tiếp tục đi làm kẻ lang thang đi! Ngươi mở miệng tự cho mình rất công bằng, nhưng, người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân; người giàu không có cơ hội tu đức hạnh; người ngư dân ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển. Nếu ngươi không mở miệng, mạng sống người nhà kẻ nghèo kia được cứu; người giàu tốn chút tiền nhưng giúp người khác mà tích được đức; ngư dân cũng vì dây dưa không cách nào lên thuyền, tránh được mưa gió, có thể còn sống sót.”

Kẻ lang thang im lặng ra khỏi chùa…

RẤT NHIỀU SỰ TÌNH, nó thế nào, chính là như thế đó. Để nó tiến triển theo tự nhiên, kết quả sẽ tốt hơn. Khi đối mặt với sự việc, ai có thể biết rõ kết quả gì sẽ xảy ra chứ?
Yên lặng theo dõi diễn biến, chính là một loại năng lực!
Thuận theo tự nhiên, là một loại hạnh phúc!

3/ LÃO VÕ SƯ

Võ sư đã già, chạm ngưỡng tám mươi. Qui luật cho thấy, dù là ai đi nữa, ở cái tuổi ấy sự già nua là không thể che giấu. Ông lụm cụm vào ra trong khu đất rộng của mình, một khoảng xanh giữa lòng thành phố.
Chiếc quần cộc cũ mèm, áo tơi màu sậm, ông lão lom khom lượm từng viên sỏi rơi vãi để sắp ngay ngắn trên lối đi, cách làm cẩn trọng khác thường. Hết sỏi để lượm, lão ngồi bàn trà nhâm nhi thưởng thức hương vị của loại trà Bắc đặc trưng. Sau nữa, lão vào nhà, nằm im trên nệm, mắt nhắm hờ, ngẫm ngợi gì đấy không chán.

Cũng như mọi sự vật và hiện tượng trên đời, ông lão có một lịch sử riêng. Lối sống khép kín khiến láng giềng ở thành thị vốn mạnh ai nấy biết, không có thông tin gì đáng kể về lịch sử của lão, trừ danh phận võ sư mà lão không thể giấu được. Những chuyến thăm viếng thường xuyên của những nhân vật VIP ngồi xe đắt tiền, dáng vẻ bệ vệ, tiền hô hậu ủng… đã tiết lộ thân thế của lão. Có những nhân vật trong đồng phục oai nghi vẫn cung kính một dạ hai thưa với lão, trân trọng gọi “Thầy”, ngày lễ Tết đều đặn lễ vật rất kính cẩn. Ban đầu người ta cứ ngỡ lão là quan chức về hưu, một chính khách, song rốt cuộc lão là võ sư đã từng dạy rất nhiều học trò, trong đó có những con người thành đạt.

Một khoảng đất rộng ở ngay trung tâm thành phố, niềm mơ ước của nhiều người, lại không được lão khai thác theo cách thông thường mà người ta có thể nghĩ. Đại lộ thênh thang ken dày nhà hàng, khách sạn, cà phê văn phòng, siêu thị… khi đến khu đất của lão, như một bản nhạc bị chùng xuống: toàn một màu xanh của cây trái, có gà mẹ gà con chạy nhảy vô tư, tụi nhóc bắn bi chơi xóc đũa, lối sỏi quanh co, hòn non bộ tỏa sen… cứ như ở quê. Chủ nhân của khu đất lạ ấy là sự hòa điệu nhịp nhàng với khung cảnh xung quanh mà ông là tác giả. Ai cũng thấy lạ lùng….

Song lão thản nhiên tự tại với trời đất, cứ lúi cúi làm việc của mình ngày nào cũng như ngày nấy: lượm sỏi, uống trà, nằm nghĩ ngợi… Nếu có một bàn thờ Phật, người ta dễ nghĩ đến cõi thiền, song tuyệt không. Chẳng có gì hết.

Thực ra thì lão có một người bạn vong niên, cậu trẻ bị thải loại khỏi guồng máy hành chính, lang thang bán vé số và có duyên gì đó với lão, lui tới hàng ngày. Lão như thế, gặp cậu lại ngẩng lên, tươi cười. Hai người hàn huyên với nhau những chuyện mà chỉ có họ biết. Như thế, như thế nhiều năm lắm, từ lúc cậu thanh niên mới tập tành bán vé số đến khi đã sành sõi cái nghề cực nhọc ấy, họ vẫn giữ quan hệ tốt.

Cậu trẻ cao to, sáng sủa, nhưng nhút nhát. Đi đứng cứ như thu mình lại, cái nghề bán vé số khiến cậu càng co lại hơn nữa. Lúc nhỏ đi học đã bị ăn hiếp, đi làm lại càng bị chèn ép nhiều hơn, và đến khi phải lang thang bán vé số, sự lép vế của cậu trong giang hồ chỉ có tăng chứ không giảm. Nên mơ ước có một chút võ thuật phòng thân và rèn sự tự tin, với cậu, là điều dễ hiểu.

Cho đến một ngày cậu phải đi thật xa cùng mẹ về quê ngoại cách đấy hàng trăm cây số, lão hẹn cậu đến. Buổi sáng chim trong lồng hót líu lo, cá trong hòn non bộ lượn lờ, sen nở ngát trong gió sơm… Lão tỉ mẩn châm một bình trà Bắc thượng hạng, quà của học trò cũ, lại làm đúng qui trình, đổ nước sôi lên trên bình sứ cho hơi nóng nén lại, rót nước sôi vào từng chiếc tách… Lão làm việc ấy chậm rãi, như để kéo dài thời gian. Cuối cùng, chăm chú nhìn người bạn trẻ đã gần gũi mình bao nhiêu năm trời, nói với nhau bao nhiêu là chuyện, lão nghiêm giọng bảo: cậu hãy đứng lên! Người thanh niên cao lớn đứng thẳng, đúng lúc ấy ngoài đường có một thanh niên khác cũng cao to hiên ngang mạnh bước đi, đầu ngẩng cao. Lão nói: cậu còn khỏe và cao to hơn chàng trai kia, không việc gì phải sợ ai. Và: đâu nào, cậu thử chống nạnh tôi xem. Khi chàng trai chống tay, lão gật gù: hùng dũng lắm. Hồi còn trẻ, tôi không được như cậu. Chỉ có thế thôi, lão châm trà cùng người bạn trẻ thưởng thức, nói lời chia tay.

Chỉ có vậy, không hơn, nhưng đấy là bước ngoặt. Người thanh niên mạnh dạn hẳn lên, ăn nói dõng dạc dứt khoát. Cho dù không qua một khóa huấn luyện võ nghệ nào, song anh ấy đã mấy lần ra tay bênh vực người cô thế. Mắt nhìn thẳng, giọng nói như sấm, không mấy kẻ còn ý định hiếp đáp cậu.

CÁI GÌ ĐÃ XẢY RA? Sự thật thì cậu đã có tất cả: sức khỏe, hình dáng oai phong mạnh mẽ… nhưng cậu nhút nhát và thua cuộc vì không thể tự nhận ra chính mình, lại chuyên nhìn vào và thấy rõ thế mạnh của đối phương. Một con cọp cứ ngỡ mình là mèo, chỉ có chạy trốn khi nghe hổ gầm! Giờ ông lão tinh thâm võ nghệ và trường đời đã dùng “yếu quyết” để chỉ cho cậu thấy chính mình, cậu ngộ được và trở nên như thế. Thật không có cách nào hay hơn. Không có con đường giảng dạy võ nghệ nào hiệu quả hơn. Cho người ta thấy chính bản thân mình, phát huy cái mình có sẵn, đánh thức sức mạnh ẩn tàng ngủ quên.
Đến bây giờ thì chàng thanh niên mới hiểu người bạn già của mình thực sự là một võ sư, chứ không đơn thuần là một ông lão hiền lành tốt bụng mấy năm dài chuyên tâm tình với cậu những chuyện chẳng liên quan gì đến võ nghệ.

4/ BẤT DỊ

Sengai Gibon (1750 – 1837) là một thiền sư Nhật bản thuộc dòng Lâm Tế, ông cũng có một biệt tài vẽ tranh thủy mặc. Những bức tranh của ông mang một nét thiền rất đơn sơ và nhẹ nhàng.
Trong nhà thiền có một hình vẽ rất phổ biến về một vòng tròn, ensō, mà các thiền sư thường dùng để tượng trưng cho sự giác ngộ, một thế giới rỗng không và tròn đầy. Một trong những bức tranh rất nổi tiếng của thiền sư Sengai, thay vì chỉ vẽ một vòng tròn, ông lại vẽ một vòng tròn, cùng với một tam giác và một hình vuông, (○△□).
Phần lớn trên những hình vẽ của Sengai, ông đều có ghi thêm một câu thư pháp cạnh bên, nhưng trong bức tranh hơi khó hiểu này Sengai lại không viết thêm một chữ nào nữa hết. Ý nghĩa của bức tranh ấy hoàn toàn tùy theo sự giải thích và hiểu biết của mỗi người.

Theo học giả D.T. Suzuki thì bức tranh ấy biểu tượng cho toàn thể vũ trụ, vòng tròn tượng trưng cho cái tuyệt đối (Absolute), hình tam giác tượng trưng cho sắc, hình tướng (form), và hình vuông tượng trưng cho thế giới của hiện tượng (phenomena).
Suzuki là người rất ngưỡng mộ thiền sư Sengai. Nhìn bức tranh ấy, ông hứng khởi và cầm bút viết một câu thư pháp “△□ bất dị ○” (△□不異○), tam giác, vuông cũng chẳng khác gì tròn, bắt chước theo câu Tâm Kinh “Sắc bất dị không”, sắc cũng chẳng khác gì không.
Có lẽ ông muốn nói rằng, tất cả những sự biến đổi, thật ra chúng không có gì khác biệt nhau, tất cả đều là một yếu tố cần thiết và tự nhiên của sự sống. Và vì vậy mà có lẽ ta sẽ không bao giờ có thể tìm được một khuôn mẫu nào là hoàn hảo, hay đẹp, tuyệt đối cả. Sự hoàn hảo là một thái độ trong tâm, chứ không phải là ở hoàn cảnh bên ngoài.

HOÀN HẢO TỰ NHIÊN

Sư Giới Đức có kể một câu truyện về Thiền Sư Eido Tai Shimano, một nhà thư pháp Nhật Bản. Eido lấy bút lông quệt cái vòng tròn – mà chẳng tròn – rồi viết hai chữ: Viên tướng!

Bạn của ông, lão sư Kogetsu bàn như sau: “Không nhất thiết phải tròn. Tất nhiên là nó không hoàn hảo. Thậm chí, hình tam giác, tứ giác hay bất cứ cái hình gì trong phối cảnh tâm linh thì chúng cũng đều phải tròn cả. Trong con mắt thiền, mọi điều kiên tâm linh, tâm lý, xúc cảm, mọi sự, mọi vật đều hoàn hảo, tự nhiên như nhiên, như chân như thật! Mặt trăng tròn sao? Thế thì cái mặt méo kia cũng tròn chứ?”

NHỮNGKHỔ ĐAU trong cuộc sống sẽ có mặt khi ta bị vướng mắc vào một khuôn mẫu cố định nào đó, như khi ta bắt nó phải là một vòng tròn toàn vẹn. Và nếu như cuộc sống này không đặt vừa được vào khuôn thước của mình đặt ra, ta cảm thấy khổ đau.

Bà Sharon Salzberg có chia sẻ một kinh nghiệm như sau. Có lần một người bạn của bà ở California muốn qua viếng thăm New England nơi bà đang ở vào mùa thu. Mùa thu ở vùng New England thì những rừng lá thay màu sắc đẹp như một bức tranh tuyệt mỹ. Trong lúc chờ người bạn qua, mỗi ngày bà Sharon cứ nóng ruột ra nhìn rừng cây mùa thu với ngàn chiếc lá màu sắc rực rỡ và lộng lẫy, hy vọng rằng chúng sẽ giữ được như vậy mãi cho đến khi người bạn sang. Đứng nhìn những lá muôn màu bay tơi tả trong những ngày gió lớn, có lúc bà như muốn ra cắm những chiếc lá rụng lên lại trên cây, để giữ chúng cho người bạn mình xem. Nhưng cuối cùng thì người bạn đã không sang được. Và lúc ấy bà Sharon tự bảo, “Thôi, bây giờ thì mình có thể cho phép thiên nhiên được tiếp tục công việc của nó rồi!”
Ngăn chặn không cho rừng lá thu đừng phai màu và rơi rụng là một chuyện vô lý quá phải không? Nhưng nếu nhìn lại đời mình, biết bao lần ta cũng đã vô tình có những hành động tương tự như vậy, cố gắng giữ cho sự vật đừng đổi thay, lúc nào cũng muốn chúng được hoàn hảo theo ý của mình.

SỰ SỐNG LÀM BẰNG NHỮNG SỰ THAY ĐỔI

Chúng ta vẫn thường cảm thấy rằng hạnh phúc chỉ có mặt khi cuộc đời này được tròn đầy, hoàn hảo. Có thể đó là sự thật! Nhưng sự tròn đầy ấy không phải là ở hoàn cảnh bên ngoài, mà là một thái độ tĩnh lặng và trong sáng trong tâm. Và ta có thể có được sự trong sáng ấy bằng một thái độ bao dung và buông xả.
Thật ra không phải cuộc sống này luôn có những thay đổi, mà là sự sống của ta đang được làm bằng chính những sự thay đổi ấy. Không có chúng thì cũng không có sự sống.
Cuộc đời là một chuỗi của những đổi thay, mà đó cũng là một chuỗi buông xả tiếp nối nhau. Ta từ bỏ lòng mẹ, tuổi thơ của mình, rồi ta rời bỏ ghế nhà trường, ta từ bỏ gia đình với cha mẹ đi lập một gia đình mới, rồi khi con cái lớn lên ta lại từ bỏ cái gia đình đó… Khi tuổi già ta từ bỏ những thú vui, những việc mình vẫn thường làm hằng ngày, và ngay cả những việc mà mình ưa thích nhất, và cuối cùng rồi ta cũng sẽ từ bỏ luôn cả cuộc đời này…

Nhưng những thay đổi của cuộc đời cũng thường không diễn theo một chiều suôi như vậy. Có biết bao nhiêu biến đổi xảy ra bất ngờ mà bắt buộc ta phải chấp nhận và buông bỏ, ngay cả những gì mình chưa sẵn sàng để từ bỏ...

BUÔNG XÃ

Thầy Viên Minh có một bài thơ rất đơn sơ và nhẹ nhàng như một bức tranh của Sengai,

Kìa mây giăng trên núi
A, xuống cho thầy hay
Ơ mà thầy đang ngủ
Thôi cứ để mây bay

Thầy Viên Minh giải thích ý nghĩa của bài thơ ấy,
“Lúc đó thầy đang ở chùa Huyền Không Lăng Cô. Một hôm có người Phật tử ra thăm chùa khi thầy đang nghỉ trưa. Người Phật tử đó đi dạo quanh cảnh già lam rồi vào trà thất ngồi ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Có lẽ hôm ấy trời chuyển lạnh nên mây mù bắt đầu giăng trên núi. Hiện tượng trông rất huyền ảo này thu hút những khách tham quan từ thành phố lên, lúc thầy mới đến đây cũng vậy.
Người Phật tử thấy cảnh tượng quá tuyệt vời muốn xuống báo cho thầy lên xem, nhưng khi xuống thì thầy vẫn còn ngủ, lúc nhìn lại thì mây đã bay mất...
Khi thầy thức dậy người ấy kể lại giây phút kỳ diệu vừa qua. Thầy hiểu, và chợt đọc bốn câu thơ tặng người Phật tử ấy - một người đang có nhiều tâm sự đau buồn. Ý thầy muốn nhắn nhủ rằng dù đẹp hay xấu, khổ hay vui... cứ để mọi chuyện đến đi trong cuộc đời như mây bay trên đầu núi... rồi con sẽ thấy vạn pháp vẫn thật là mầu nhiệm.”

THẬT RA buông xả không có nghĩa là phải cố gắng làm một cái gì đó, nhưng là biết quay về trọn vẹn trong sáng với những buồn, vui nào đang có mặt. Và cứ để chúng đến đi tự nhiên như mây bay trên đầu núi. Rồi có thể một ngày nào đó mình sẽ thấy được rằng, tất cả bao giờ cũng đang là hoàn hảo, ?
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (20-07-2015 09:16 AM)
20-07-2015, 09:21 AM
Bài viết: #2
RE: NHỮNG CÂU CHUYỆN NÊN SUY NGHĨ
Những câu chuyện triết lý hay và ý nghĩa đáng để cho chúng ta suy nghĩ và học hỏi. Giống như câu chuyện "Ăn mày cửa Phật", nói về một ông lão nhà nghèo, khi thấy những người giàu sang ngự trên những chiếc xe đắt tiền đi lễ Phật, cảm thấy số mình không may cứ nghèo hoài, bèn vào hỏi nhà sư. Nhà sư nói với ông lão rằng:"con có biết, những người kia cũng là ăn mày không, họ ăn mày ở cửa Phật đó. Người thì xin được tai qua nạn khỏi trong thương vụ, người thì xin đừng bị kiện tụng...." Còn con tuy nghèo khổ, nhưng con sống ung dung tự tại, không phải lo lắng van xin cửa Phật như những người kia." Đại khái nội dung là như vậy.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (20-07-2015 02:29 PM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS