Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
VI TIẾU
18-02-2014, 07:58 PM (Được chỉnh sửa: 19-02-2014 01:10 PM bởi dieuquang.)
Bài viết: #1
VI TIẾU
MỜI BÀ CON XEM QUA VÀ RỘNG THỜI GIAN NGẨM NGHĨ; >NHIỀU CHUYỆN NGẮN NHƯNG NGHĨ RA KHÔNG NGẮN. VÌ
Vi Tiếu là nụ cười thoáng trên môi, cười mà như không cười - có lẽ đó là nụ cười biểu lộ bên trong hơn là bên ngoài.Vi Tiếu ... nụ cười Thiền, không đến đi như những cuộc vui trong chốc lát, mà lưu lại một góc nào đó trong tâm, để chúng ta nghiền ngẫm, thấm thấu dần ... và bỗng nhiên nụ cười nở ra bên trong, như một đóa hoa..

CÁ RÔ CÂY

Lão hành khất vào ngồi trong hiên chùa bắt đầu bữa ăn xin được trong ngày: Ít vắt cơm, muối và... một con cá rô cây.
Người gác chùa quan sát bữa ăn, thấy con cá rô cây, ông châm biếm:
- Này ông lão, ông làm gì với con cá gỗ ấy, hay cuối cùng cũng chỉ cơm với muối?
Lão hành khất đưa tay chỉ tượng Phật bằng đá trên tòa sen giữa Chánh điện, trả đũa:
-Này ông bạn, còn bạn làm gì với tượng Phật đá kia, hay cuối cùng cũng chỉ vô minh với ái dục?

DỄ QUÁ MÀ

Ða Trí đang ngồi lẩm bẩm:
- Khó thật, khó thật!
Vô Văn đi qua hỏi:
- Gì mà khó giữ vậy?
Ða Trí liền nói:
- Này Ðệ, làm sao biết được gà sinh trước hay trứng sinh trước?
- À, chuyện đó thì dễ quá mà.
Ða Trí ngạc nhiên:
- Thật vậy sao?
Vô Văn bật cười:
- Có gì đâu, ý Huynh sinh ra trước đấy.

SỬA ĐỔI THIÊN NGHIÊN

Ngồi dưới gốc cây Bồ Ðề Ða Văn nói:
- Thiên nhiên có những điều bất cân xứng cần phải sửa chữa lại.
Vô Văn hỏi:
- Cái gì bất cân xứng?
Ða Văn ví dụ:
- Như bên kia, cây dưa hấu nhỏ như vậy mà trái thật to tướng, còn cây Bồ Ðề này to tướng mà trái lại nhỏ xíu!
Ngay khi đó một trái Bồ Ðề rơi trên đầu Ða Văn. Vô Văn nhân cơ hội nói:
- May chú chưa kịp sửa lại, chứ nếu trái Bồ Ðề to bằng trái dưa hấu thì còn gì là cái đầu của chú nữa!

TINH TẤN

Ðạo sĩ Cầu Ðắc kể với Vô Ðắc: Sau khi luyện được phép thần thông ngồi trên mây bay từ nơi này qua nơi khác như ý muốn, ta hãnh diện khuyên một người bạn:
- Này bạn! Hãy cố gắng luyện pháp môn này chỉ cần trì chỉ ít năm là thành công.
Bạn ta hỏi:
-Thành công để làm gì?
Ta giải thích:
- Bạn không thấy sao, với sở đắc này, Tôi có thể đi đây đó dễ dàng, không mệt nhọc gì cả.
Bạn ta nói:
- À, thì ra Huynh tinh tấn chỉ để được làm biếng.

TU SỬA

Hỏi:
- Tu có phải là sửa không?
Sư nói:
- Không phải.
- Vậy là không sửa?
- Cũng không phải.
- Phải làm sao?
Sư đáp:
- Không sửa thì kẹt cái này, sửa thì thành ra cái khác.

PHƯỚC ĐỨC

Có vị Tăng tinh tấn tu hành được nhiều người kính mộ. Ngày kia một bà thí chủ đến cúng dường:
- Mong Ðại Ðức hoan hỷ dung nạp tứ sự cúng dường này và xin Ðại Ðức ban cho con ít phước đức tu hành của Ðại Ðức.
Vị tăng nói:
- Tôi tự cột đã nhiều nay gắng mà mở chứ có phước đức gì đâu.

NAM MÔ THƯỜNG BẤT KHINH

Nhiều vị Tăng bàn cãi về ý nghĩa một bài kinh, mỗi vị đưa ra một kiến giải khác nhau, ai cũng cho mình là đúng, kẻ khác sai. Cuối cùng họ nhờ Sư phân giải.
Sư chỉ ngâm bài kệ:

"Cũng chỉ một lời kinh
Tùy căn cơ sai khác
Kiến giải bất đồng tình
Nam mô Thường bất khinh"

TRIẾT HỌC LÀ GÌ?

Ðể mở mang kiến thức cho Tăng chúng. Thầy Giám học mời một vị Giáo sư đến dạy môn Triết.
Sau nhiều giờ học, Vô Văn lôi Ða Văn ra góc vườn nói một cách phấn khởi:
- Ðến nay tôi đã hiểu Triết học là gì rồi.
Ða Văn đang mù tịt cái môn quái đản này hăm hở muốn nghe.
Vô Văn nói:
- Có gì đâu, Triết học chỉ là hệ thống một mớ ngôn ngữ phức tạp nói về những điều rất giản dị.

NGHIỆP CÒN NẶNG

Thấy bà tín nữ đem một lồng chim đến chùa Ða Văn mừng rỡ đón lấy toan phóng sanh. Bà tín nữ giằng lại, nói:
- Không phải tôi phóng sinh ở đây đâu. Tôi chỉ gởi đây rồi mai trở lại lấy.
- Chứ bà định làm gì với lồng chim đó?
Bà tín nữ giải thích:
- Chú không biết sao, ngày mai có lễ ở chùa dưới phố, tôi sẽ đem đến đó phóng sinh.
Ða Văn thở dài ngẫm nghĩ: "Phố cách đây cả trăm cây số lại phải đợi đến ngày mai, chắc nghiệp của bầy chim này còn nặng".

LÀM CHỦ

Chủ nhân một đại xí nghiệp tư doanh, xuất gia vào viện hơn một năm. Ông rất tinh tấn. Ai cũng nghĩ là ông sẽ thành công trên đường đạo. Nhưng một hôm ông đến yết kiến Sư:
- Con đã cố gắng tự kiểm soát một cách nghiêm ngặt nhưng vì sao chưa làm chủ được thân tâm?
Sư vỗ bàn quát:
- Ngươi đã quen cái thói làm chủ mất rồi!


hẹn sẽ có tiếp cám ơn đã xem dq
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
QHiền Vĩnh Long (18-02-2014 10:42 PM), baothai (19-02-2014 04:55 AM)
19-02-2014, 01:32 PM
Bài viết: #2
RE: VI TIẾU
MỜI XEM TIẾP

CÓ MẤT GÌ

Sư đang đi kinh hành. Một đệ tử hỏi:
- Làm sao thấy được chân tướng của vạn pháp?
Sư đáp:
- Bỏ ý muốn ấy đi.
- Không muốn thấy làm sao thấy được?
Sư mắng:
- Ngươi không thấy thì chân tướng có mất mát gì đâu.

THIỀN ĐỊNH LÂU NHẤT


Sư hội các đệ tử lại hỏi:
- Trong các con, ai hành thiền định được lâu nhất?
Ðệ tử thứ nhất hăm hở trình:
- Con có thể nhập định được bảy ngày.
Ðệ tử thứ hai thưa:
- Con được năm ngày.
Ðệ tử thứ ba nói:
- Con được một ngày
Ðệ tử thứ tư bạch:
- Con nhập định được hai giờ thôi!
Ðệ tử thứ năm nói:
- Con chỉ được nửa giờ thôi.
Người thứ sáu thưa:
- Thầy ơi! Con chịu thua các sư huynh rồi. Con không nhập định được. Nhiều lắm là con chỉ biết con đang thở từng hơi thở mà thôi.

Sư nói:
- Thế mà con thiền định lâu nhất đó.

THỰC SỰ HÀNH

Nhiều Tăng Ni và Phật tử rất ham chuộng môn mà thọ gọi là Siêu lý học (Abhidhamma), cho rằng người học môn này như cá lội trong biển, còn học Kinh (Sutta) và Luật (Vinaya) như cá lội trong ao, hồ, sông, rạch mà thôi.
Một học viên Siêu Lý đến hỏi ý Sư về ví dụ trên. Sư nói:
- Ðó không phải là ý kiến của ta nên ta không bàn đến. Nhưng ta biết còn có một môn mà người học có thể biến hóa vô cùng, dung thông vạn pháp.
Cậu học viên trố mắt hỏi:
- Dạ môn gì mà siêu dữ vậy?
Sư nói:
- Ðâu có siêu, đó chỉ là môn Thực Sự Hành.

NGÀN TAY NGÀN MẮT

Một đệ tử hỏi:
- Ngàn tay ngàn mắt của Ðức Quán Thế Âm như thế nào hả Thầy?
Sư đáp:
- Nóng lạnh, đói no, vui buồn, mừng giận, đẹp xấu, dở hay, phải trái cho đến trăm ngàn chuyện ngươi đều hay biết đó là ngàn mắt. Làm lụng, đi đứng, ngủ nghỉ, nói năng, suy nghĩ, tạo tác, động tịnh cho đến trăm ngàn việc ngươi đều làm được đó là ngàn tay.

PHẬT Ở ĐÂU

Những người chủ nghĩa duy lý không hiểu sao người ta lại cứ ngồi lâm râm niệm Phật từ giờ này qua giờ khác, thật là mê tín, vô ích, vô lý và rõ ràng là thiếu cơ sở.
Một người trong nhóm họ không chịu nổi sự vô lý đó nên đến hỏi Sư cho ra lẽ:
- Không ai thấy Phật ở đâu sao người ta lại niệm?
Sư nói :
- Nhưng nếu có Phật ở đâu thì ai lại niệm làm gì?

( Nguyên nghĩa của niệm Phật không phải là lâm râm khấn vái danh tánh của một vị Phật hay Bồ Tát để cầu xin một điều gì. Niệm Phật là ghi nhớ đức tánh của bậc giác ngộ. Như Araham là tánh thanh tịnh giải thoát, Buddho là tánh giác, Vijjà-carana-sampanno là tánh sáng suốt và công hạnh viên mãn v.v… Niệm Phật như vậy là để phát huy tánh giác nơi chính người niệm, nhờ thế những đức tánh như tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, từ bi, hỷ xả,… sẵn có nơi mọi người được khai mở và sử dụng. Và chính những đức tính Phật này cứu họ ra khỏi thất niệm bất giác của vô minh ái dục, phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử. Đó chính là niệm Phật tại tâm vậy.)

QUỞ TRÁCH THIỀN ĐỊNH

Một thiền sinh quá tinh tấn tham thiền nhập định đến quên ăn bỏ ngủ. Sư trách:
- Anh tham thiền chỉ thêm dục vọng, chẳng ích gì đâu.
Ít hôm sau đi qua thiền đường, thiền sinh ấy thấy Sư đang dạy một số hành giả về cách tọa thiền, anh tức giận hỏi:
- Hôm trước Thầy quở trách tham thiền sao hôm nay Thầy lại dạy tọa thiền nhập định?
Sư mắng :
- Ta quở trách anh tham thiền chứ đâu có quở trách thiền định.

( Thiền định tự nó không sai, chỉ có người sử dụng nó sai mà thôi. Chỉ trích thiền định là hồ đồ và ấu trĩ, vì thiền định có cái dụng của nó nếu như sử dụng đúng thời, đúng chỗ, đúng căn cơ và đúng “pháp vị” của nó.
Có người nghe các Thiền Sư nói: “ngồi thiền không thành Phật”, “chỉ lấy đá đè cỏ”, “mài gạch thành gương”,… rồi thẳng tay tống khứ thiền định ra khỏi thành trì tu tập! Nếu chấp thiền định làm cứu cánh thì quả là không thể thành Phật, cao lắm chỉ đến Sắc Giới, Vô Sắc Giới mà thôi. Nhưng thiền định được sử dụng giải thoát ra được biết bao phiền não giữa cõi trần.
Sư quở trách một thiền sinh vì anh ta quá ham mê thiền định đến nỗi bỏ quên đời sống thực mà đáng lẽ anh ta phải thâm quán từng giây từng phút. Thiền định như thế chỉ tự cô lập, giam hãm, ràng buộc mình và tách mình ra khỏi dòng biến hóa của pháp giới tánh )

VÔ THƯỜNG

Một chú tiểu đang tưới phong lan, có người khách hỏi:
- Chú đã biết đời là vô thường sao còn trồng làm gì thứ vô thường tạm bợ ấy?
Chú tiểu nói:
- Nhưng nếu chúng mà thường thì tôi còn trồng làm gì nữa?

( Khi nghe Đức Phật dạy tất cả hữu vi là vô thường, người ta nghĩ rằng một khi mọi hiện tướng đều biến đổi không ngừng thì cần phải dẹp bỏ hết đi để tìm cái gì thường còn bất biến. Đó là một hiểu lầm to lớn. Thấy vô thường chính là để đừng rơi vào ảo tưởng thường còn. Thấy đúng thực chất một đóa hoa có nở có tàn thì ta không còn bị ảo tưởng của dục vọng ước mong đóa hoa còn mãi để rồi rước lấy thất vọng khổ sầu. Cái khổ phát xuất từ nguyên nhân thấy sai chứ không phải ở bản chất vô thường của hữu vi pháp. khi nói “vô vi, vô sinh diệt” là nói tâm không đông, không thối chuyển hoặc tâm không sinh ngã pháp, chứ không phải là thường tồn vĩnh cửu.
Vì ngộ nhận tai hại như thế nên người ta toan lìa bỏ thế gian vô thường tạm bợ để đi tìm thế giới thường hằng vĩnh cửu.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
MyHang (23-02-2014 09:34 PM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS